Nhân duyên với cuộc thi QC KENTEI (Khảo thí Quản lý chất lượng và Kiểm soát chất lượng - QM/QC Exam)
Nhắc đến Nhật Bản, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe về “Made in Japan”. Đây chính là từ khoá đưa Nhật Bản trở thành một trong những đất nước có nền sản xuất phát triển nhất thế giới từ thế kỉ trước.
Lần đầu tiên tôi để ý đến một sản phẩm của Nhật Bản chính là khi bố tôi mua chiếc xe máy Super Cup vào năm 1997 với giá 32 triệu, tương đương với một căn nhà thời đó. Ông thường xuyên sử dụng chiếc xe này để di chuyển từ nhà tới các công trình nới ông làm việc. Vậy mà sau 15 năm, chiếc xe này vẫn được một người bà con mua lại dùng thồ lúa vì bền và tiết kiệm nguyên liệu. Chính chiếc xe này đã để lại cho tôi ấn tượng xâu sắc về một sản phẩm chất lượng đến từ Nhật Bản. Và từ đó tôi mang trong mình câu hỏi “Tại sao họ lại sản xuất ra được một sản phẩm tốt như vậy?”. Những năm tháng trên giảng đường đại học cũng không giúp tôi có câu trả lời và như một cơ duyên tôi có cơ hội để sang Nhật du học sau khi tốt nghiệp.
Ngày đầu đặt chân tới Nhật và di chuyển từ sân bay về nhà bằng tàu điện, tôi cũng đã bất ngờ và thích thú với những chuyến tàu đúng giờ tới từng phút. Và sau này, tôi mới hiểu rằng đây chính là “chất lượng” của dịch vụ mà công ty vận hành cung cấp. Họ đưa ra trước lịch trình (cố định hàng ngày) và đảm bảo đoàn tàu sẽ được vận hành theo đúng lịch trình đó. Việc này giúp hành khách tiết kiệm rất nhiều thời gian khi biết trước thời điểm khởi hành nên không cần phải ra ga quá sớm.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi tốt nghiệp cao học của một trường đại học và bắt đầu vào làm tại một Tập đoàn sản xuất thiết bị gas với lịch sử trên 100 năm. Ngoài những khó khăn và bỡ ngỡ của một người nước ngoài là sự háo hức để giải mã những bí mật về “Made in Japan” mà tôi muốn tìm hiểu bao lâu nay.
Truyền thống của các doanh nghiệp Nhật là đào tạo căn bản rất kĩ cho mọi nhân viên mới. Chúng tôi mất nửa năm để hoàn thành khoá đào tạo này trước khi được phân công xuống xưởng để thực tập. Tại đây, chúng tôi là việc như những người công nhân thực thụ, để hiểu nỗi vất vả để tạo ra một sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Sau thời gian thực tập này, tôi mới hiểu “chất lượng” của sản phẩm cũng có phần đóng góp không nhỏ của những người công nhân làm việc trực tiếp tại hiện trường.
Sang năm thứ hai, tôi nhận được cơ hội tuyệt vời khi được xưởng trưởng giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm gây dựng dây chuyền sản xuất một cụm chi tiết cho một mẫu sản phẩm mới. Khi này đứng trên lập trường của một nhân viên bộ phận sản xuất, mối quan tâm thực sự của tôi lúc đó chính là chỉ tiêu về năng suất. Mặc dù, được nghe hàng ngày về phương châm ưu tiên chất lượng của công ty nhưng ở thời điểm đó tôi vẫn chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của chất lượng. Và như một lẽ thường tình, tôi thường uỷ thác các vấn đề chất lượng cho bộ phận QC và tập trung nâng cao năng suất. Tuy nhiên, càng làm càng phát sinh hàng lỗi, lại càng phải sửa. Việc cứ luẩn quẩn trong cái vòng tròn vừa làm vừa sửa khiến tôi không thể đạt được mục tiêu năng suất đề ra.
Rồi một hôm, cấp trên đến và vỗ vai tôi hỏi: “Linh, mày chọn năng suất hay chất lượng? Nếu mày chọn năng suất từ đầu thì kết quả như mày đã thấy đấy!”. Câu hỏi như một lời thức tỉnh khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Và tôi bắt đầu quan tâm và xử lý vấn đề về chất lượng. Kết quả là tỷ lệ sản phẩm lỗi đã giảm đáng kể và chúng tôi thường giải quyết được ngay lỗi phát sinh trong ngày hôm đó. Việc này đã giúp giảm tỷ lệ lỗi phát sinh, giảm thời gian dừng chuyền, sản phẩm không còn bị tắc trước công đoạn kiểm tra và đương nhiên là năng suất đã được cải thiện.
Chính lúc này tôi mới nhận ra rằng, “chất lượng” cũng chính là năng suất, là nền tảng trong mọi hoạt động sản xuất và mình cần phải tìm hiểu nhiều hơn về chất lượng bên cạnh kiến thức về sản xuất và kaizen.
Khi hỏi nhân viên đàn anh và cấp trên, tôi mới nhận được lời khuyên rằng: “Ở Nhật Bản, nếu muốn học một cách có hệ thống, hãy tìm hiểu các chứng chỉ”. Đây chính là lý do tôi đã tìm và học thi chứng chỉ quản lý chất lượng chính là cuộc thi QC KENTEI (Khảo thí Quản lý chất lượng và Kiểm soát chất lượng - QM/QC Exam).
Chứng chỉ này thành lập vào năm 2005, nhằm mục đích hỗ trợ sự phát triển chung toàn ngành công nghiệp Nhật Bản bằng cách trang bị kiến thức cho các thí sinh về suy nghĩ căn bản trong quản lý chất lượng; được dùng để đánh giá và chứng nhận kiến thức và năng lực ứng dụng liên quan đến phương pháp suy nghĩ, phương pháp thực thi và công cụ trong quản lý chất lượng cho đối tượng là sinh viên và người đi làm. Trong những năm gần đây, trung bình có khoảng 60.000 người dự thi mỗi năm. Thậm chí, nhiều công ty sản xuất còn yêu cầu tất cả nhân viên mới (tốt nghiệp đại học) đều phải lấy chứng chỉ cấp 4 (cấp thấp nhất) và vị trí tổ trưởng trở lên phải lấy được chứng chỉ cấp 3 (cấp 1 là cao nhất)(*). Đây chính là minh khẳng định rằng cuộc thi này đã được xã hội Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, công nhận và tạo được sự tin cậy nhất định.
Quay trở lại câu chuyện của tôi, sau khi học và thi chứng chỉ và đảm nhiệm công việc quản lý chất lượng tôi mới nhận ra rằng trước đây tôi chỉ biết làm theo hướng dẫn mà thực ra chưa hiểu bản chất. Trong một công ty có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất, sự tồn tại của các quy trình thao tác hay kiểm tra như một điều đương nhiên. Do đó, tôi đã quyết định lấy thêm chứng chỉ cấp 3, rồi cấp 2 rồi so sánh với hệ thống quản lý chất lượng trong công ty.
Khi đó, tôi mới hiểu ra rằng mọi quy định, bảng biểu… đều có lý do của nó và đều nhắm mục đích kiểm soát chất lượng cho sản phẩm. Đương nhiên, tôi đã áp dụng rất nhiều các kiến thức đã học được để kaizen dây chuyền và nâng cao chất lượng sản phẩm đang sản xuất hay phòng ngừa các nguy cơ phát sinh lỗi cho dây chuyền sản xuất sản phẩm mới. Rồi tôi ước mơ rằng: “Giá mà một ngày nào đó, người Việt cũng được học những kiến thức nền tảng này, thì trong tương lai có thể thế giới sẽ biết đến và dành một sự tôn trọng nhất định đối với các sản phẩm Made in Viet nam”.
Hiện nay, cùng với chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, cùng với việc tham gia rất nhiều hiệp định tự do thương mại của chính phủ, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của rất nhiều công ty sản xuất đa quốc gia. Cộng thêm với sự trỗi dậy của các công ty sản xuất lớn trong nước thì nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam sẽ tăng nhanh. Đây chính là cơ hội cho các công ty phụ trợ của chúng ta nhận được những đơn hàng lớn để phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất. Tuy nhiên, để trở thành nhà cung ứng của các công ty lớn, điều kiện tiên quyết chính là “chất lượng”. Ngoài kiến thức về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng thì những công ty này sẽ cần rất nhiều nhân sự để điều hành hệ thống quản lý chất lượng này. Ngoài ra, đối với các công ty sản xuất của Nhật Bản (đặc biệt là các công ty nhỏ thiếu tiềm lực) đang hoạt động tại Việt Nam, mặc dù đã mang tới một hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến từ Nhật Bản nhưng việc không thể đào tạo chỉn chu cho toàn bộ nhân viên bản địa khiến họ gặp phải không ít vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Ở Nhật cũng vậy, số lượng nhân viên chất lượng được đào tạo chính quy không nhiều, người làm chất lượng thông thường đều xuất thân từ nhiều ngành khác nhau như vật liệu, hoá học, cơ khí… Vì vậy, việc tự học kiến thức một cách có hệ thống thông qua cuộc thi lấy chứng chỉ chất lượng, kết hợp với thực tế công việc là cách làm hiệu quả nhất để một nhân viên quản lý chất lượng trưởng thành nhanh chóng và hoàn thành trách nhiệm của mình trong hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Trở về Việt Nam vào tháng 9/2021, với mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm Việt, tôi tình cờ gặp anh Lê Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Anh cũng là người tâm huyết và luôn suy nghĩ làm sao để nâng tầm chất lượng sản phẩm của công ty Việt Nam. Và tôi đã thật bất ngờ khi được anh chia sẽ đã thuyết phục thành công Hiệp hội tiêu chuẩn Nhật Bản (JSA) để tổ chức cuộc thi QC KENTEI (Khảo thí Quản lý chất lượng và Kiểm soát chất lượng - QM/QC Exam) tại Việt Nam.
Vì vậy, tôi tin rằng sự kiện cuộc thi QC KENTEI (Khảo thí Quản lý chất lượng và Kiểm soát chất lượng - QM/QC Exam) bắt đầu được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 6/2022 không chỉ mang đến một nền tảng kiến thức quản lý chất lượng từ một đất nước có nền sản xuất phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, mà còn là sự hỗ trợ thật sự kịp thời và hiệu quả về mặt đào tạo con người về mảng chất lượng cho cả các công ty sản xuất của Việt Nam và công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Nói cách khác, đây có thể là một cú hích cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta.
Và giấc mơ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu ra thế giới có “chất lượng” tương đương với các nước phát triển có lẽ sẽ không còn xa nữa…
Bùi Linh
CEO Viqualita
(*): Chi tiết về 4 cấp độ trong QM/QC Exam, vui lòng tham khảo bảng dưới:
Cấp độ |
Năng lực và kiến thức yêu cầu |
Đối tượng |
1 |
・Cấp độ này yêu cầu nhân viên có năng lực nắm bắt và phán đoán được khả năng có thể giải quyết được những vấn đề chất lượng đang phát sinh trong tổ chức hay không, đồng thời tự chủ đứng lên khởi xướng để giải quyết. |
・Nhân viên có khả năng đứng đầu giải quyết vấn đề chất lượng liên quan đến nhiều bộ phận trong tổ chức. |
2 |
・Cấp độ yêu cầu nhân viên tự chủ giải quyết và kaizen các vấn đề phát sinh liên quan đến chất lượng bằng cách sử dụng công cụ thống kê như 7 công cụ QC hoặc 7 công cụ QC mới. Đồng thời, là người hiểu, có khả năng triển khai hoạt động quản lý chất lượng phù hợp. |
・ Người đi đầu để giải quyết vấn đề chất lượng trong bộ phận. |
3 |
・ Cấp độ yêu cầu nhân viên hiểu và sử dụng được 7 công cụ QC. Nếu có nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ cấp trên có thể giải quyết được các vấn đề xảy ra. Ngoài ra, hiểu và có kiến thức về quản lý chất lượng trong thực tế. |
・Toàn bộ nhân viên muốn giải quyết vấn đề phát sinh tại bộ phận mình (không phân biệt lĩnh vực, ngành nghề, bộ phận). ・Học sinh cấp 3, sinh viên đại học cao đẳng chuyên ngành quản lý chất lượng. |
4 |
・ Cấp độ yêu cầu hiểu kiến thức thường thức căn bản về quản chất lượng, hoạt động kaizen và cách thức hoạt động của một công ty. |
・ Người lần đầu học về Quản lý chất lượng. |