Chia sẻ kinh nghiệm | Những kỹ năng cần thiết cho nghề QC

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về những kĩ năng và kiến thức mà mình cho là cần thiết cho một nhân viên QC.

Khi mới vào bộ phận QC mình đã được giao một dự án với mục tiêu phải giảm ngay thiệt hại do hàng lỗi tại bộ phận sơn lên tới 500 triệu mỗi tháng. Đây là một dự án lớn của công ty được triển khai trong khoảng 3 tháng. Kết quả, mình cùng các đồng nghiệp đã giảm được tỷ lệ hàng lỗi và thiệt hại xuống 100 triệu mỗi tháng. Sau đó, dự án được chuyển giao lại cho tổ trường để tiếp tục duy trì các giải pháp giảm hàng lỗi. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mình đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức và kĩ năng.

Sau dự án này và trải qua thời gian làm việc tại bộ phận quản lý chất lượng, mình nhận ra rằng, một nhân viên QC cần trang bị cho mình rất nhiều kiến thức, ví dụ: kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng đọc hiểu bản vẽ và đo lường để biết vì sao sản phẩm lỗi, học về kĩ thuật sản xuất, kĩ năng sử dụng công cụ QC để tổng hợp dữ liệu và phân tích vấn đề. Ngoài ra còn rất rất nhiều kỹ năng khác nữa... Do đó, để hoàn thành công việc được giao, đương nhiên chúng ta cần tự tìm hiểu và học hỏi những kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, việc này thực sự không đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, mình hi vọng rằng với những kinh nghiệm mà mình sẽ chia sẻ trong video này, các bạn có thể tìm và nhanh chóng trang bị cho bản thân những kiến thức và kỹ năng cần trong công việc. Qua đó nâng cao khả năng của bản thân, giảm thời gian xử lý vấn đề và cuối cùng là được cấp trên đánh giá tốt hơn.l

Như mình đã giới thiệu, có rất nhiều kỹ năng cần phải học, nhưng trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 6 kỹ năng và kiến thức mà mình cho rằng nó thật sự quan trọng đối với một nhân viên QC, đó là:

  1. Kiến thức Qc căn bản
  2. Kỹ năng đọc bản vẽ
  3. Kỹ năng đo lường
  4. Kỹ năng sử dụng 7 công cụ Qc và giải quyết vấn đề
  5. Kiến thức về sản phẩm và các phương pháp gia công
  6. Sức khoẻ và tinh thần thép

Nào chúng ta sẽ cùng bắt đầu đi vào chi tiết nhé.

1. Kiến thức QC căn bản

Đầu tiên, đó là kiến thức QC căn bản.

Cũng tương tự các ngành khác, ngành QC cũng có nền tảng kiến thức riêng.

Ví dụ, để có thể trở thành kĩ sư thiết kế máy, trường đại học đã đào tạo cho sinh viên những môn căn bản như Vật liệu, sức bền vật liệu hay công nghệ chế tạo máy.

Tuy nhiên, Qc là một ngành mà số người được đào tạo chính quy rất ít, kể cả ở Nhật cũng vậy. Do đó, phần lớn các nhân viên QC đều là những người đến từ nhiều ngành học khác nhau. Và đương nhiên, tất cả đều bắt đầu từ con số KHÔNG.

Nói vậy không có nghĩa là bạn có thể tay không bắt giặc. Việc tự trang bị cho mình kiến thức nền tảng là rất quan trọng. Những kiến thức này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về công việc quản lý chất lướng sản phẩm trong công xưởng sản xuất.

Kiến thức nền tảng này bao gồm hai phần chính:

  • Phần lý thuyết: Bao gồm những kiến thức căn bản như: chất lượng là gì? Tại sao cần quản lý chất lượng hoặc hệ thống đảm bảo chất lượng trong một công ty hoạt động ra sao?
  • Phần công cụ QC: bao gồm 7 công cụ QC, Các bước giải quyết vấn đề, Bảng hướng dẫn thao tác, Bảng hướng dẫn kiểm tra và nhiều công cụ khác nữa.

Kiến thức nền tảng về căn bản sẽ chẳng ai dậy cho bạn, mà bạn cần tự tìm hiểu mày mò và tự học. Bạn có thể tìm hiểu những kiến thức này trong sách, hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng.

Ở Nhật, có chứng chỉ Quản lý chất lượng. Nội dung của chứng chỉ này sẽ bao gồm cả phần lý thuyết và những công QC cần thiết.

Mình cũng sẽ lần lượt chia sẻ với các bạn những nội dung của chứng chỉ này trên kênh blogsanxuat, mời các bạn đăng ký kênh để cập nhật những kiến mới nhất.

2. Kỹ năng đọc bản vẽ

Thứ hai, chúng ta sẽ nói về kỹ năng đọc bản vẽ

Với mình đây là kỹ năng cần thiết tiếp theo và cũng là một kỹ năng rất quan trọng đối với một nhân viên QC mới.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì, bản vẽ là nơi chứa toàn bộ thông tin về chất lượng của sản phẩm như kích thước hay cường độ, phương pháp xử lý bề mặt. Bản vẽ được xây dựng bởi bộ phận thiết kế và đây chính là tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ đối với bộ phận sản xuất.

Bạn không đọc được bản vẽ tức là bạn không nắm được yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Vậy bạn sẽ quản lý chất lượng kiểu gì?

Việc phán đoán Sản phẩm có đạt chất lượng hay không cũng tương đồng với việc sản phẩm đó có thoả mãn những yêu cầu trong bản vẽ hay không.

Vì vậy, đọc bản vẽ là kỹ năng mà mình nghĩ bạn cần trang bị cho mình càng sớm càng tốt. Mình biết nhiều bạn làm công việc QC nhưng lại xuất thân từ nhiều ngành khác nhau như hoá học hay vật liệu, những ngành không được đào tạo nhiều về bản vẽ. Vì thế, bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Hãy tìm ngay một cuốn sách về cách đọc bản vẽ và tận dụng tối đa những cơ hội học cách đọc bản vẽ ngay trong công việc hoặc từ đồng nghiệp.

3. Kĩ năng đo lường

Kĩ năng quan trọng thứ ba đó chính là kỹ năng đo lượng.

Tức là sử dụng thành thạo một số công cụ đo lường cơ bản như thước kẹp, đồng hồ so, thước Panme, thước đo chiều cao, thước đo góc...

Ngoài ra, nếu có cơ hội bạn cũng nên tập sử dụng thành thạo những thiết bị đo nâng cao như máy đo 3D, máy đo hình ảnh hay máy đo độ nhám bề mặt. Có những kích thước sẽ không thể đo chính xác được nếu không sử dụng những loại máy đo này.

Tại sao chúng ta lại cần sử dụng thành thạo những công cụ đo này?

Như mình đã nói ở phần trước, bản vẽ là tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm.

Để quản lý được chất lượng sản phẩm, bạn phải kiểm tra được sản phẩm sau khi sản xuất có đạt các yêu cầu như trong bản vẽ hay không.

Chỉ một kích thước không đạt yêu cầu cũng có thể phán đoán đó là sản phẩm lỗi nên việc đo lường sản phẩm hoàn chỉnh rất quan trọng để tìm ra sản phẩm lỗi và phòng tránh lọt sản phẩm lỗi tới tay khách hàng.

Ngoài ra, khi đã phát sinh sản phẩm lỗi, bạn cần tìm kiếm nguyên nhân và việc đo đạc kích thước chi tiết là điều không thể tránh khỏi.

Những dụng cụ do này thường rất đắt tiền nên bạn không nên mua riêng để tự học. Thay vào đó, hãy tận dụng dụng cụ có ở công ty và học cách sử dụng trong quá trình làm việc.

Hãy chú ý để học được cách đo chính xác nhé. Bởi nếu đo sai, sản phẩm đạt sẽ thành sản phẩm lỗi, ngược lại sản phẩm lỗi có thể thành sản phẩm đạt. Hậu quả thế nào thì bạn biết rồi đấy.

4. Kỹ năng sử dụng 7 công cụ QC và giải quyết vấn đề

Kỹ năng thứ 4 chính là sử dụng 7 công cụ QC và công cụ giải quyết vấn đề

Công việc quản lý chất lượng hiện nay hầu như đều dựa vào dữ liệu mà phần lớn là các con số. Từ dữ liệu chúng ta sẽ biết được trạng thái chất lượng của sản phẩm.

Ví dụ, việc thu thập dữ liệu về số lượng sản xuất và số lượng hàng lỗi mỗi ngày sẽ giúp chúng ta nắm được tình hình chất lượng trong một dây chuyền, vấn đề đang phát sinh ở đâu.

Mặc dù vậy, khi gom hàng trăm số liệu vào cùng một chiếc bảng sẽ khiến chúng ta rất khó nhìn ra trạng thái của dây chuyền. Đây chính là lý do ra đời của 7 công cụ QC. 7 công cụ QC giúp chúng ta trực quá dữ liệu để sớm phát hiện ra vấn đề.

Chỉ cần so sánh hai hình vẽ này chắc bạn sẽ nhận ra phải không? Biểu đồ cho chúng ta biết ngay sản phẩm lỗi đang tăng mỗi ngày.

Vì vậy, việc nắm được cách sử dụng 7 công cụ QC là rất quan trọng.

7 công cụ Qc bao gồm:

  • Biểu đồ phân bố
  • Biểu đồ quản lý
  • Biểu đồ Histogram
  • Đồ thị
  • Phiếu kiểm tra
  • Biểu đồ xương cá
  • Biểu đồ Pareto

Tuỳ vào nội dung công việc, bạn có thể chọn học và học trước loại biểu đồ thường sử dụng.

Ngoài ra, trong sản xuất, việc phát sinh vấn đề sẽ xảy ra như cơm bữa. Với những sản phẩm được lắp ráp từ hàng trăm đến hàng ngàn linh kiện thì mỗi ngày đâu đó sẽ có 1 hai linh kiện bị lỗi và sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng, máy móc sẽ bị hao mòn và xuống cấp theo thời gian, từ đó cũng sẽ gây phát sinh sản phẩm lỗi.

Do đó, khi phát sinh những vấn đề như thế này, đòi hỏi bạn cần có kỹ năng để giải quyết vấn đề để đối ứng ngay lập tức. Với những vấn đề đơn giản chúng ta có thể giải quyết ngay với kinh nghiệm sẵn có. Nhưng với vấn đề phức tạp chúng ta nên áp dụng công cụ giải quyết vấn đề để mang lại hiệu quả tốt hơn. Đây chính là 7 bước để giải quyết một vấn đề:

  • Thiết lập đề tài
  • Nắm bắt hiện trạng và thiết lập mục tiêu
  • Phân tích nguyên nhân
  • Thảo luận đối sách
  • Thực thi đối sách
  • Kiểm tra hiệu quả
  • Tiêu chuẩn hoá và quản lý duy trì

5. Kiến thức về sản phẩm và các phương pháp gia công

Yêu cầu tiếp theo đối với một nhân viên QC chính là Kiến thức về sản phẩm và các phương pháp gia công sản phẩm đó.

Đối với sản phẩm dập thì bạn cần có kiến thức về khuôn dập hoặc đặc tính của sản phẩm dập.

Còn đối với sản phẩm nhựa đúc bạn lại cần kiến thức về khuôn nhựa và sản phẩm nhựa.

Đối với sản phẩm lắp ráp, bạn cần nắm được tính năng của sản phẩm trong từng công đoạn và yêu cầu đối với các thiết bị sử dụng trong mỗi công đoạn đó.

Những kiến thức này sẽ giúp chúng ta quản lý được chất lượng sản phẩm và sớm tìm được nguyên nhân để đưa ra đối sách giải quyết nếu có vấn đề phát sinh.

Ví dụ, sản phẩm dập bị dính vết lõm giống nhau ở tất cả sản phẩm thì có thể phán đoán rằng có rác hoặc phoi dính vào mặt trong của khuôn. Hoặc lỗ trên một sản phẩm nhựa bị nhỏ hơn so với kích thước yêu cầu, có thể phán đoán rằng, chiếc đinh trên khuôn tại vị trí lỗ đó có thể đã bị mòn.

Tất nhiên, đây là những kiến thức chuyên môn không dễ tiếp thu được hết tất cả. Nhưng chúng ta có thể tự học phần căn bản. Còn những kiến thức sâu hơn hãy học hỏi và tìm tòi trong quá trình làm việc cùng nhân viên của từng bộ phận.

Họ là người có kiến thức và kinh nghiệm, cũng là người biết những vấn đề đang tồn lại trong bộ phận. Dó đó, việc học lỏm qua những người này là một cách mình thấy không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian mà còn giúp chúng ta hiểu được những chỗ mà nếu chỉ đọc sách thì cũng khó mà hiểu được.

6. Sức khoẻ và tinh thần thép

Yếu tố cuối cùng mà mình muốn đề cập đến chính là sức khoẻ và tinh thần.

Khi làm việc dưới công xưởng thì thời gian đứng của chúng ta khá nhiều, thậm chí là đứng luôn 8 tiếng. Chưa kể trong quá trình làm việc phải di chuyển giữa các dây chuyền, giữa các bộ phận hay giữa các xưởng. Lúc xảy ra sự cố thì có thể cần kiểm hàng, phân biệt hàng lỗi, đôi khi chúng ta cũng cần phải bốc vác và vận chuyển chi tiết để đối ứng sao cho thời gian dừng chuyền là ngắn nhất cho tới khi nhận được tiếp viện. Do đó, việc xử lý lỗi trong giờ giải lao hay ngoài giờ hành chính cũng không phải là hiếm.

Vì vậy, sức khoẻ là một yếu tố mà bạn nên chuẩn bị sẵn. Chứ đã làm đến trưa mà bạn đã đuối rồi thì buổi chiều không làm được bao nhiêu việc cả. Tức là thành quả trong một ngày cũng không được bao nhiêu, dẫn tới đánh giá từ cấp trên không tốt.

Ngoài ra, mình nghĩ rằng làm QC luôn cần một tinh thần thép. Người QC luôn chịu áp lực phải duy trì được chất lượng sản phẩm mình phụ trách. Khi xảy ra vấn đề, thời gian xử lý của bạn sẽ tỷ lệ nghịch với thiệt hại cho hàng lỗi gây ra.

Ví dụ, có một dây chuyền với 10 nhân viên đang hoạt động thì xảy lỗi phải dừng lại. Nếu bạn xử lý lỗi mất 1 giờ thì thời gian chờ của 10 nhân viên sẽ là 10 giờ. Chưa tính nếu mỗi giờ dây chuyền đó sản xuất được 60 sản phẩm thì khi dây chuyền bị dừng, 60 sản phẩm cũng không được sản xuất, có thể khiến khách hàng chờ đợi. Trong trường hợp xấu nhất khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm của một nhà cung cấp khác.

Chưa kể đôi khi nhiều bộ phận đều phát sinh hàng lỗi trong cùng một thời điểm, chỗ nào cũng gọi bạn để xử lý và bạn cần phải nghĩ cách làm sao để đối ứng một cách tốt nhất sao cho vừa giảm số hàng lỗi và giảm thiệt hại cho công ty.

Người nhân viên QC cũng giống như vị trí thủ môn trong bóng đá vậy, họ hầu như không thể ghi bàn tức là không trực tiếp làm ra sản phẩm để mang về lợi nhuận, nhưng luôn bị yêu cầu không để thủng lưới tức là phải duy trì thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Điều này có nghĩa là bạn vẫn bị áp lực phải giữ giữ sạch lưới nhưng lại không được tung hô như một tiền đạo. Đây chính là lý do nhiều bạn vẫn ấm ức khi làm QC, công việc của mình quan trọng thế mà nhiều khi vẫn bị lép vé so với bộ phận sản xuất.

Nhưng bù lại, QC giúp bộ phận sản xuất trực tiếp giải quyết vấn đề, giảm hàng lỗi đồng thời nâng cao năng suất, nên thực ra nếu hiểu đúng thì đây cũng là công việc thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với công xưởng. Nếu suy nghĩ theo hướng tích cực có thể bạn sẽ loại bỏ được áp lực cho bản thân.

Như vậy, mình đã giới thiệu với các bạn 6 kỹ năng và kiến thức cần thiết cho người làm QC.

Bạn thấy sao về những kĩ năng này, bạn đã trang bị đầy chủ cho mình chưa?

Bài viết cùng danh mục